CÁC ĐỊA ĐIỂM DI TÍCH NHỮNG LẦN BÁC HỒ VỀ THĂM TỈNH BẮC GIANG

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tài liệu phục vụ Họp báo về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (17/10/1963- 17/10/2023)

I . KHÁI QUÁT NHỮNG LẦN BÁC HỒ VỀ THĂM TỈNH BẮC GIANG

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản hùng ca sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tận tụy, sự hy sinh quên mình vì lý tưởng độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đảng ta đã đánh giá, đây là một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.

Vinh dự và tự hào cho Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã được Bác dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc. Người nhiều lần về thăm, nói chuyện, huấn thị, viết thư thăm hỏi, khen ngợi, viết báo, khen thưởng, tặng huy hiệu cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và chiến đấu. Nhận thức sâu sắc trách nhiệm và khắc ghi lời dạy của Bác, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết, kiên trì phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Trong suốt những tháng năm cùng Nhân dân cả nước lao động, sản xuất, chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc, tỉnh Bắc Giang vinh dự và tự hào được Bác quan tâm và 5 lần về thăm, làm việc, nói chuyện huấn thị.

  1. Lần thứ nhất, tháng 5 năm 1946

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, cách mạng Việt Nam đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách; đất nước ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn trăm công nghìn việc, mọi việc đều to lớn, liên quan trực tiếp đến sự mất còn của những thành quả cách mạng mới giành được, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ dân chủ cộng hòa. Đồng thời, lúc này cũng vừa kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (3/1946) với những nội dung hết sức trọng đại và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị đi thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong bối cảnh đó, tháng 5 năm 1946, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1946, không báo trước, Bác về giữa lúc đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh đang họp để triển khai công việc. Biết như vậy, Bác yêu cầu cuộc họp cứ tiếp tục và với tác phong giản dị, sâu sát, Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi han sức khỏe và chế độ sinh hoạt của những người làm việc ở đây. Sau đó, Người đi thăm bộ đội ở trại Vệ Quốc đoàn, trường Trung học Hoàng Hoa Thám, Bệnh viện tỉnh. Ngay sau bữa cơm trưa, dưới bóng cây bàng cạnh sân, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thống nhất chương trình làm việc buổi chiều của mình. Sau khi gặp mặt đại diện các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc; các nhà sư và cha cố... Người thay mặt Chính phủ kêu gọi quân dân Bắc Giang hãy tích cực và tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng", phải học để biết chữ và chuẩn bị sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Trước khi về Hà Nội, Bác còn đi thăm giáo dân và các tu sĩ nhà ở nhà thờ Đạo Ngạn (Việt Yên). Tại đây, Bác biểu dương Nhân dân Việt Yên, trong đó có giáo dân đã cùng Nhân dân cả nước anh dũng đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay lại đang kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc tự do, độc lập; Người khuyên lương - giáo phải đoàn kết một lòng để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tự do, độc lập.

Được Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi, quyết tâm thực hiện tốt lời kêu gọi của Người trong việc tăng cường đoàn kết, hăng hái sản xuất, chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

  1. Lần thứ hai, tháng 01 năm 1955

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ được ít lâu, cầu Phủ Lạng Thương được chúng ta lật xuống lòng sông để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Khi bóng quân xâm lược không còn trên miền Bắc, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cầu Phủ Lạng Thương được tiến hành xây dựng lại. Tham gia xây dựng cầu có các chiến sĩ miền Nam tập kết, các công nhân được tuyển trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận; đặc biệt có sự tham gia, giúp đỡ của các chuyên gia nước bạn Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, công việc khôi phục cầu cơ bản hoàn thành. Mọi người vô cùng vui mừng khi được biết Bác Hồ sẽ về thăm và chúc Tết.

Vào dịp Tết Nguyên đán năm Ất Mùi (tức ngày 24/01/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường khôi phục đường xe lửa Phủ Lạng Thương. Bác đi trên những nhịp cầu còn đang dang dở, thân mật hỏi thăm mọi người. Bác hỏi han tình hình tổ chức ăn tết và đời sống của anh em công nhân. Người khen ngợi sự tận tình giúp đỡ của công nhân và chuyên gia Trung Quốc, sự giúp đỡ của Nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) và khen ngợi những thành tích mà công nhân xây dựng cầu đã đạt được. Hồ Chủ tịch phân tích khá kỹ càng tầm quan trọng của tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan, con đường huyết mạch nối liền đất nước ta với các nước anh em, hứa sẽ tặng nhiều giải thưởng cho những người có thành tích xuất sắc nhất.

Anh em công nhân rất phấn khởi trước những lời dạy bảo ân cần của Hồ Chủ tịch. Họ hát vang bài "Kết đoàn" theo nhịp tay của Bác. Lời hát hùng tráng, dâng lên cuồn cuộn quyện theo xe Bác đang trên đường về Hà Nội, như nói lên quyết tâm của toàn thể đội cầu đã hứa: Quyết hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn để được đón Người về thăm lần nữa. Với quyết tâm cao, chỉ trong 4 tháng, cầu được xây dựng hoàn thành, vượt trước kế hoạch.

Sau đó, trong thư gửi đồng bào, cán bộ, công nhân,… đã góp phần hoàn thành đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và đánh giá rất cao công lao của đồng bào: "Có được những thành tích ấy là nhờ sức sáng tạo và cố gắng của cán bộ, công nhân miền Nam và miền Bắc, thanh niên xung phong và đồng bào các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang...".

  1. Lần thứ ba, ngày 08 tháng 02 năm 1955

Sau hai đợt cải cách ruộng đất thắng lợi, một số cán bộ cải cách tỏ ra thỏa mãn rồi sinh ra tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sợ ba cùng với nông dân. Một số cán bộ khác phạm khuyết điểm trầm trọng trong vận dụng, thi hành đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn. Đoàn cải cách ruộng đất Thái Nguyên - Bắc Giang tổ chức tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở xã Trung Nghĩa (nay thuộc thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa. Thôn Cẩm Xuyên được Đảng và Chính phủ chọn làm nơi tập huấn cho cán bộ cải cách ruộng đất của Liên khu Việt Bắc từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955. Ngày 08 tháng 02 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm thôn Cẩm Xuyên. Bác đi nhiều nơi, thăm các gia đình nông dân được chia quả thực, thăm nơi ở của cán bộ đoàn cải cách ruộng đất, làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy tại đình Cẩm Xuyên, tham dự và nói chuyện với Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 và nhân dân tại soi Vải ven sông Cầu. Bác nêu lên những thành tích đã đạt được, đồng thời Bác cũng chỉ rõ những khuyết điểm cần khắc phục trong những đợt tiếp theo.

Những lời căn dặn của Người với cán bộ và Nhân dân nơi đây về việc chăm lo đời sống Nhân dân, công tác cán bộ, công tác chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể... vẫn hằn sâu. Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ và Nhân dân Cẩm Xuyên đã ra sức thi đua khắc phục những khó khăn xây dựng cuộc sống mới.

  1. Lần thứ tư, tháng 4 năm 1961

Miền Bắc đang bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965). Trong không khí náo nức xây dựng phát triển kinh tế-xã hội ở khắp nơi, ngày 06 tháng 4 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tỉnh Bắc Giang. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Khai là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Bác đến thăm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở cơ quan Tỉnh ủy, nghe đồng chí Trần Trung, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo chương trình làm việc, mời Bác đến gặp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Bắc Giang. Đứng trên khán đài A cũ sân vận động thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang), trước hơn 3 vạn cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vị lãnh tụ của Đảng, của dân tộc giản dị trong bộ quần áo sồi màu nâu quen thuộc đã ân cần hỏi thăm đồng bào, cán bộ, các đồng chí cán bộ, công an, dân quân tự vệ, công nhân, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng,... Bác cảm ơn các chuyên gia nước bạn đang giúp đỡ ta xây dựng Nhà máy Phân đạm ở Bắc Giang. Bác căn dặn mọi người ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để góp phần xây dựng nước nhà. Sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời Bác đi thăm hợp tác xã toàn xã Tân An, huyện Yên Dũng. Tại cuộc mít tinh, Người khen ngợi những thành tích Tân An đã đạt được, chỉ giáo, nhắc nhở những nhược điểm, thiếu sót để Tân An phấn đấu khắc phục, đưa hợp tác xã tiến bộ hơn nữa.

  1. Lần thứ năm, tháng 10 năm 1963

Do yêu cầu mới của cuộc cách mạng và sự nghiệp phát triển kinh tế, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được Quốc hội quyết định sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Vào dịp Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh lần thứ nhất, ngày 17 tháng 10 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trước khi dự Đại hội, Bác dành thời gian gặp gỡ nói chuyện với Nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc tại sân vận động Bắc Giang. Lần này, Bác bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và ân cần thăm hỏi, căn dặn đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong tỉnh phải đoàn kết, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, trồng cây gây rừng, cần cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, duy trì thuần phong mỹ tục, phát triển văn hóa giáo dục, trật tự trị an... Bác đã nói: "Trước đây hai năm rưỡi (06/4/1961), Bác đã về thăm và nói chuyện với đồng bào ở đây. Lần này Bác về thăm, tỉnh nhà có một sự biến đổi rất quan trọng và rất tốt đẹp...".

Buổi chiều, Bác tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tại Đại hội, Bác huấn thị: "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công... Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết, nhất trí, đó là điều chính".

          Ngoài những lần đến thăm, làm việc, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trong tỉnh, Bác còn nhiều lần gửi thư, huấn thị nhắc nhở khuyết điểm, khen ngợi các tập thể, cá nhân trong tỉnh có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua kiến quốc, đánh giặc ngoại xâm.

Mỗi người được gặp Bác, được phục vụ Bác là niềm vinh hạnh lớn và mang theo kỷ niệm trong suốt cả cuộc đời. Trong lao động và chiến đấu, có người tiêu biểu được gặp Bác, được Bác động viên đã trở thành anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang… Có nhiều người dù chưa được gặp Bác một lần cũng vẫn vững vàng ý chí chiến đấu, thể hiện bằng những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, chiến đấu, vẽ chân dung Bác bằng máu, nêu cao khí tiết của người chiến sỹ cách mạng trong các nhà tù đế quốc; có người gặp Bác đã xúc cảm viết lên hàng nghìn câu thơ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Khắc ghi công ơn của Bác, nhiều phong trào thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong xã hội.

Hiện nay, cùng với cả nước, Bắc Giang đang triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều diễn đàn, nhiều cuộc hội thảo, báo cáo, cuộc thi... được tổ chức cho chúng ta hiểu rõ hơn lòng yêu nước, thương dân, tấm gương đạo đức mẫu mực và trong sáng của Người. Giữa không khí trang nghiêm, ấm áp của các sự kiện ấy, giữa đèn hoa rực rỡ, chúng ta lại như thấy Bác đang ở giữa rừng cờ hoa và biển người, ân cần trò chuyện, thăm hỏi Nhân dân như những lần Bác về với Bắc Giang năm xưa.

II. CÁC ĐỊA ĐIỂM DI TÍCH BÁC HỒ VỀ THĂM TỈNH BẮC GIANG

1. Địa điểm lưu niệm Bác Hồ tại Tân An

Từ thành phố Bắc Giang xuôi theo tỉnh lộ 293 khoảng 10km đến ngã tư Tân An rẽ trái đi theo tỉnh lộ 299 khoảng 500km là đến nơi di tích tọa lạc. Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An nằm ngay trên trục đường tỉnh 299, bên cạnh trường PTTH Yên Dũng 2 (người dân quen gọi là trường cấp III Tân An). Di tích được khép kín trên một khuôn viên đất bằng phẳng, rộng rãi hình chữ nhật có chiều dài 44m, rộng 34m; ngăn cách với bên ngoài bằng cổng Tam quan gồm: 1 cổng chính ở giữa và 2 cổng phụ hai bên. Chính giữa cổng chính có dòng chữ "Khu di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Tân An". Đi qua cổng là vào đến khoảng sân rộng rãi được lát gạch nem đỏ, trong đó trồng nhiều cây xanh, không chỉ tạo bóng mát mà còn giúp cảnh quan di tích thêm xanh-sạch-đẹp. Chính giữa khuôn viên di tích là nhà bia - đây là công trình quan trọng nhất của khu di tích. Nhà bia được xây dựng theo lối chồng diêm gồm 1 gian, 2 chái với hai tầng tám mái đao cong, mái lợp ngói mũi. Các đầu đao được đắp trang trí hình hoa lá cách điệu, trên hai đầu bờ nóc được đắp hình con kìm. Khung chịu lực của nhà bia được tạo bởi 4 hàng chân cột, mỗi hàng 4 cột. Chính giữa nhà bia là một tấm bia dựng năm 1961 với dòng chữ: "Nơi đây, ngày 6-4-1961, chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và đứng nói chuyện với cán bộ và nhân dân Tân An..."

Địa điểm Lưu niệm Bác Hồ tại Tân An đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 295-QĐ/BT ngày 12/2/1994.

2. Địa điểm Làng chiến đấu Long Trì

Thôn Long Trì, trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng Xuân Đám, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đến năm 1955 thuộc xã Tân An, huyện Yên Dũng. Từ năm 2007 thuộc thị trấn Tân Dân, nay là thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Bước đầu thống kê, hiện nay nơi đây còn 15 điểm di tích trọng điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như:

1. Cổng làng phía Đông.

2. Cổng làng phía Tây.

3. Chòi gác làng Long Trì.

4. Cửa hầm địa đạo làng Long Trì - cửa hầm địa đạo đầu làng (cửa phía Đông).

5. Cửa hầm địa đạo giữa tuyến làng Long Trì.

6. Cửa hầm địa đạo cuối làng (cửa hầm phía Tây).

7. Ụ chiến đấu làng Long Trì - Ụ chiến đấu số 1.

8. Ụ chiến đấu số 2.

9. Ụ chiến đấu số 3 (Ụ chiến đấu ngoài làng).

10. Ụ chiến đấu cuối làng.

11. Hầm bí mật của chi bộ cơ sở Đảng xã Tân Dân.

12. Khu căn cứ chùa Long Trì.

13. Địa điểm Trại Rừng.

14. Địa điểm Trại rừng Vầu.

15. Giếng nước và gia đình ông Hà Đình Cộng.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, tại làng chiến đấu Long Trì đã diễn ra nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn, tiêu biểu như các trận chiến ngày: 10/2/1952; 10/3/1953; 20/10/1953; 20/11/1953...

Năm 2009, Địa điểm Địa đạo làng chiến đấu Long Trì được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng là Di tích Lịch sử -văn hoá (QĐ số 2487/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009). Ngày 20/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 702/QĐ - BVHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử: Địa điểm làng chiến đấu Long Trì, thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi xếp hạng di tích luôn được chính quyền và nhân dân quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng và giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

3. Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên

Di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên nằm trên khu soi bãi phù sa phía ngoài đê sông Cầu, chạy dài gần 1km với vườn vải cổ thụ gần 100 năm ăn sát mép nước, được giới hạn bởi hai bến đò ngang ở phía Bắc và Nam làng Cẩm Xuyên sang huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nơi đây xưa chính là khu đình Cẩm Xuyên cũ (đã đổ nát vào năm 1963). Tại đây, tháng 02/1955, đình Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa) là nơi làm việc của Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách. Khi ấy, khu bãi ven đê là bãi thể thao, chiếu bóng, hậu cần,… Khu vườn vải xứ Đồng Nương là khu hội trường của đoàn, hơn hai nghìn cán bộ cải cách ở trong nhà dân thôn Cẩm Xuyên. Ngày 08/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên, thăm khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên, sau đó Người vào thăm một số nhà nông dân ở thôn Cẩm Xuyên. Đặc biệt, tại đây, Người đã đến dự và nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của cách mạng Việt Nam: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện người cày có ruộng và những mục tiêu lớn nhất mà cuộc cách mạng đề ra.

Năm 2001, Di tích Lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 40/QĐ-CT ngày 08/01/2001. Hiện nay, địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên thuộc khu soi bãi phù sa phía ngoài đê sông Cầu, có diện tích 3674.8m2. Trong địa điểm lưu niệm là vườn vải cổ thụ gần 100 năm tuổi, nằm sát sông Cầu, được giới hạn bởi hai bến đò ngang ở phía Bắc và phía Nam làng Cẩm Xuyên sang huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Để kỷ niệm ngày Bác về thăm thôn Cẩm Xuyên, ngày 28/4/2000, nhân dân thôn Cẩm Xuyên làm việc với đồng chí Vũ Kỳ (Nguyên là thư ký riêng của Bác Hồ) tại Hà Nội để đề nghị xây dựng nhà bia kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên ngày 8/2/1955. Năm 2005, công trình được khởi công xây dựng, bao gồm các hạng mục: Đường bê tông, cổng vào, sân vườn, nhà bia và hệ thống tường bao bảo vệ di tích. Từ đường đê sông Cầu, rẽ trái là con đường bê tông dài khoảng 100m, nối đê sông Cầu với khu lưu niệm. Cổng vào được thiết kế theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong lợp ngói mũi đỏ gồm có 3 cửa: 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Sân được lát gạch nem tách màu đỏ truyền thống. Qua khoảng sân là tới khu vực nhà bia được xây dựng gồm 2 tầng. Tầng một xây kín bằng hệ thống tường bao, xung quanh 4 phía là hệ thống các bậc thang để lên tầng 2 nơi đặt bia đá. Bia đá được tạo bởi khối đá xanh hình chữ nhật, gồm có 2 mặt, trong lòng bia có khắc dòng chữ: “Ngày 8/2/1955 Bác Hồ về dự Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang và thăm bà con nông dân thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang". Hệ thống mái lợp gồm 2 tầng 8 mái, mái lợp ngói mũi đỏ truyền thống. Xung quanh trồng nhiều cây ăn quả và cây bóng mát để điểm tô cho di tích. Ngoài cùng là hệ thống tường bao được xây gạch, phủ áo vữa, quét vôi ve màu vàng, để tránh cho di tích khỏi bị xâm phạm.Năm 2018, 2019, huyện Hiệp Hòa đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng, cải tạo khu di tích như: Khu tiếp đón, sân, cổng, đường vào, hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước,…

Ngày 18 tháng 6 năm 2021, Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia (Quyết định số 1900/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/6/2021).

4. Các địa điểm di tích ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang tại thành phố Bắc Giang

4.1. Khán Đài B (A cũ) sân vận động thị xã Bắc Giang (Nơi Bác Hồ 02 lần nói chuyện với nhân dân tỉnh Bắc Giang năm 1961, tỉnh Hà Bắc năm 1963)

Khán đài B (Khán đài A cũ) sân vận động thị xã Bắc Giang (còn gọi là lễ đài sân vận động thị xã Bắc Giang), phường Ngô Quyền, thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Khán đài B nằm ở phía Đông sân vận động, quay mặt ra đường quốc lộ 1A (nay là trục đường Xương Giang) được xây dựng vào năm 1958-1960, với diện tích là 350m2, cao hơn 10m, khung sắt mái tôn với 2 cầu thang, 2 cánh gà hai bên. Trải qua thời gian, khu khán đài B đã xuống cấp và được cải tạo, nâng cấp vào những năm 1976, 1978.

Ngày 21-6-1993, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số 774/QĐBT xếp hạng khán đài B sân vận động thành phố Bắc Giang - nơi Bác Hồ đến thăm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thành phố Bắc Giang đã từng bước đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp khu di tích. Khán đài A mới được xây dựng giáp đường Xương Giang; còn khán đài A cũ được đổi thành khán đài B (giáp đường Nguyễn Thị Lưu). Đặc biệt, năm 2009, thành phố đã đầu tư gần 700 triệu đồng để cải tạo mặt trước khán đài B, phòng trưng bày và hệ thống sân vườn. Từ năm 2010 đến nay, thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí để sưu tầm những hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của Bác Hồ với nhân dân Bắc Giang, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng địa điểm khán đài B, nơi Bác Hồ 02 lần nói chuyện với nhân dân tỉnh Bắc Giang- năm 1961, tỉnh Hà Bắc – năm 1963 sẽ là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi về thành phố Bắc Giang.

4.2. Địa điểm cầu Sông Thương-nơi ghi dấu hình ảnh Bác Hồ về thăm cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Sông Thương)

Chỉ hơn nửa năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7 tháng 5 năm 1954), thì đến ngày 24 tháng 1 năm 1955 (tức ngày mồng một Tết Ất Mùi) Bác Hồ đã về thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân Việt Nam và các chuyên gia nước bạn Trung Quốc đang giúp ta xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, cùng nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương. 67 năm đã trôi qua, cây cầu sắt Phủ Lạng Thương (nay là cầu Sông Thương) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là tuyến đường giao thông huyết mạch của tuyến Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn…Với những giá trị lịch sử, nơi lưu dấu hình ảnh của Bác Hồ kính yêu với nhân dân Bắc Giang, nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân ta, năm 2020, di tích Địa điểm Cầu sông Thương đã được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng là di tích lịch sử (QĐ số 2424/QĐ-UBND ngày 08/12/2020).

4.3. Các địa điểm di tích chưa xếp hạng gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang tại thành phố Bắc Giang

- Trường Trung học Hoàng Hoa Thám

 Trong cuốn sách Di sản Văn hóa Bắc Giang biên niên sự kiện và tư liệu lịch sử có ghi, tháng 5 năm 1946, Bác Hồ về thăm nhân dân tỉnh Bắc Giang. Bác nói chuyện thân mật với đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể Cứu quốc, các đại biểu phụ lão, nhà sư và cha cố. người thay mặt Chính phủ kêu gọi nhân dân Bắc Giang hãy tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "tấc đất tấc vàng" và chuẩn bị sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Trước khi về Hà Nội, Bác còn đi thăm đơn vị Vệ quốc đoàn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám (được thành lập cuối năm 1945, đến 1947 đổi tên thành trường Ngô Sỹ Liên). 

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, tiền thân là “Nhà thương Bản sứ (L. hôpital Indigène de Phu-Lang-Thuong)” được thành lập tháng 6 năm 1907 đã qua nhiều giai đoạn lịch sử, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang là nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm và động viên.

Một số địa điểm khác được Bác Hồ đến thăm trong các đợt về làm việc tại tỉnh Bắc Giang như: Đơn vị Vệ quốc đoàn (nay là thành đội Bắc Giang, Trụ sở tòa Công sứ nay là Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang). Các địa điểm này được nhắc đến trong một số tài liệu, hiện đang tiếp tục nghiên cứu sưu tầm tài liệu liên quan.

          III. CÁC TÀI LIỆU, HIỆN VẬT LIÊN QUAN ĐẾN BÁC HỒ HIỆN LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG TỈNH

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đang quản lý các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ yếu là hiện vật phục chế, với các nội dung:

- Tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh;

- Tư liệu, hiện vật là quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng bào, chiến sỹ, nhân dân tỉnh Bắc Giang; là điện, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân tỉnh Bắc Giang và của nhân dân tỉnh Bắc Giang gửi cho Người;

- Tư liệu, hình ảnh những lần Bác về thăm tỉnh Bắc Giang;

- Những hiện vật kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh….

Số tư liệu, hiện vật này chủ yếu do cán bộ Bảo tàng tổ chức sưu tầm phục vụ cho các đợt chỉnh lý trưng bày và nguồn tư liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong số những cá nhân hiến tặng hiện vật có ông Hoàng Tấn Quang là người dân tộc Nùng, ở thôn Tân Hồng, thị trấn Nông Trường, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông là người con của quê hương Bắc Giang, là một trong số ít ỏi người ở đất Bắc Giang may mắn được ở bên Bác Hồ, đã có vinh dự được phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch từ cuối năm 1960 đến năm 1969.

Trong thời gian này, được gần gũi bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Quang luôn kính trọng và cảm nhận được Chủ tịch là một vị lãnh tụ sáng suốt, tài ba, lỗi lạc; một con người với đức tính cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, gần gũi với nhân dân. Nhân dịp Tết nguyên đán năm 1965, Bác Hồ đã tặng ông Quang 1 con dao gọt hoa quả và 1 chiếc thìa cà phê làm kỷ niệm. Đây là những vật dụng quen thuộc Bác vẫn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Vinh dự và tự hào khi nhận được những kỷ vật vô giá, ông Quang luôn trân trọng, giữ gìn cẩn thận những hiện vật này. Ngoài 2 hiện vật ở trên, khi Bác Hồ mất, tổ phục vụ Bác (do ông Đinh Văn Cẩn làm tổ trưởng) đã giao cho ông Quang 1 chiếc bếp đèn cồn để làm kỷ niệm, những hiện vật này ông Hoàng Tấn Quang đều tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang để lưu giữ, bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

                                                                                     (Theo báo Bắc Giang )

Đa chức năng Đa chức năng

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,997
Tổng số trong ngày: 3
Tổng số trong tuần: 69
Tổng số trong tháng: 3,264
Tổng số trong năm: 19,937
Tổng số truy cập: 42,121